Mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp phát huy hiệu quả trong đại dịch Covid - 19
Cuối tháng 4 năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Với tốc độ lây lan khá nhanh,dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt, ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến tốc độ phát triển kinh tế khi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phải trì trề do những bất lợi trong tiêu thụ, vận chuyển... 
Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, những câu chuyện buồn về “giải cứu” hành tím Sóc Trăng, khoai lang Vĩnh Long hay vải thiều Bắc Giang... xuất hiện liên tục trên nhiều mặt báo và tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân chung: “Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19”. Có thể nói, loại dịch bệnh nguy hiểm này đã không còn xa lạ đối với nước ta khi đã là lần thứ 4 bùng phát, lần thứ 4 cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải “gồng mình” vừa phòng vừa chống để hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc mới và tử vong tại các địa phương. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra lúc này là vì sao những khó khăn trong tiêu thụ nông sản mùa dịch lại vẫn cứ xảy ra dù trước đó đã rất nhiều lần phải đối mặt? Phải chăng đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng thắn rằng: Chính người nông dân đang có sự bị động trong quá trình sản xuất nông nghiệp; để rồi khi rơi vào tình huống buộc phải “giải cứu”, mới nhận thức rõ tầm quan trọng của rất nhiều vấn đề mà trước đó còn bỏ ngỏ?.
 
Vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp được phát huy
 
Dịch bệnh Covid-19 khiến người dân e ngại khi mua sắm; sức mua giảm, một số nông sản không xuất khẩu được dẫn đến giá cả các mặt hàng nông sản của tỉnh giảm mạnh. Cụ thể cây ăn trái giảm từ 2.000 -11.500 đồng/kg so với cùng kì năm trước, riêng giá rau màu giảm từ 3.000-13.000 đồng/kg. Trong bức tranh khá ảm đảm về tiêu thụ nông sản trong mùa dịch lại là lúc hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp được phát huy rõ rệt khi mọi hoạt động từ khâu tiêu thụ sau thu hoạch đến lưu thông, vận chuyển vẫn được duy trì tốt. Tại Hợp tác xã bưởi Thành Công ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, dịch bệnh bùng phát trở lại vào đúng thời điểm mà diện tích trồng bưởi da xanh của các thành viên đang vào đợt thu hoạch rộ, nhưng việc thu mua giữa thành viên hợp tác xã và Công ty cổ phần Vinagreenco hầu như không hề bị ảnh hưởng khi toàn bộ số bưởi sau thu hoạch vẫn có đầu ra ổn định. Không tổ chức cuộc họp hay tập trung thu mua cùng lúc nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giám đốc hợp tác xã là người đứng ra làm trung gian, trực tiếp liên hệ với lãnh đạo công ty tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thu trái hay những yêu cầu về công tác phòng chống dịch trong quá trình vận chuyển từ vườn đến điểm thu mua và từ điểm thu mùa đến công ty tiêu thụ.
 
Ở lĩnh vực thủy sản, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh cũng rơi vào tình thế “điêu đứng” vào những ngày đầu tỉnh Sóc Trăng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vật tư đầu vào như thuốc, thức ăn thủy sản không thể đến được vùng nuôi; thương lái không thể đến tận ao để thu hoạch số tôm đã đến lứa. Nhiều hộ nuôi tôm buộc lòng phải thu hoạch sớm và bán lẻ khiến lợi nhuận không đạt được như kì vọng từ đầu vụ. Trường hợp này cũng đã từng xảy ra tại Hợp tác xã Nông ngư 14/10 thuộc ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên; tuy nhiên, điểm khác biệt là ngay sau đó các văn bản được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn đã được giám đốc hợp tác xã thông tin tường tận đến từng thành viên thông qua các cuộc gọi, tin nhắn từ điện thoại. Những lo ngại ban đầu được giải quyết, hoạt động sản xuất của hợp tác xã nhanh chóng trở lại bình thường, thành viên yên tâm duy trì sản xuất. Giá tôm dù sụt giảm gần 10 nghìn đồng/1kg do tình hình chung; nhưng toàn bộ số tôm thu hoạch đều được Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh thu mua với nhiều size (cỡ) khác nhau theo đúng hợp đồng đã được kí kết ngay từ đầu vụ. Rõ ràng chỉ khi tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác, người nông dân mới tìm được tiếng nói chung khi phát sinh những khó khăn, trở ngại trong sản xuất; hộ nuôi có sự đồng nhất trong phương thức canh tác, nuôi tôm theo chuẩn ASC để thuận lợi hơn trong liên kết tiêu thụ; cung ứng được cho công ty, doanh nghiệp lượng tôm nguyên liệu đủ lớn và đảm bảo về mặt chất lượng, để từ đó duy trì tốt hoạt động chế biến, xuất khẩu. 
 
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến nhiều nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ
 
Sự cần thiết của các tiêu chuẩn chất lượng trong canh tác
 
Hàng nghìn tấn nông sản các loại thu hoạch đồng thời với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Sở NN&PTNN tỉnh đã có có sự vào cuộc rất tích cực trong việc phối hợp cùng các đơn vị có liên quan hỗ trợ khó khăn trong tiêu thụ thông qua việc đưa nông sản lên các kênh phân phối bán lẻ của Bưu điện tỉnh, Viettel Post hay Trung tâm xúc tiến thương mại... Bên cạnh đó, sau nhiều lần rơi vào “sự cố giải cứu” cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng buộc phải tìm một hướng đi phù hợp hơn để kịp thời gỡ khó cho nông sản trước điều kiện dịch bệnh và tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa là giải pháp căn cơ được đặt ra. Tuy nhiên, chính giải pháp này đã vô tình vạch ra những “lỗ hỏng” trong quá trình sản xuất nông nghiệp, những “lỗ hỏng” có thể trước đó đã thấy, nhưng vẫn chưa được bàn sâu. Theo đó, để sản phẩm vào được chuỗi siêu thị, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng ổn định, mẫu mã, nhãn mác đạt yêu cầu; sự hạn chế trong tất cả các yêu cầu vừa nêu khiến các siêu thị không mặn mà trong việc liên kết tiêu thụ lâu dài cho sản phẩm nông nghiệp tại địa phương; bởi hiện nay, cái mà người tiêu dùng cần là sản phẩm phải đáp ứng cả 3 yếu tố “ngon - đẹp - an toàn”. Chỉ tính riêng đối với cây nhãn, diện tích trồng nhãn trên toàn tỉnh là hơn 3.000 ha, trong khi diện tích được trồng theo chuẩn VietGAP chỉ mới đạt khoảng 77 ha. Với hơn 2.000 ha đang trong giai đoạn thu hoạch, nhà vườn buộc lòng phải bán với giá từ huề vốn đến thua lỗ (mỗi kg nhãn chỉ từ 10 - 15 nghìn đồng) bởi trái nhãn với quy trình canh tác truyền thống không thể bảo quản được trong thời gian dài. Vậy là ngoài các kênh phân phối, bán lẻ từ các đơn vị, nhiều nhà vườn phải tiêu thụ nhãn bằng việc đăng thông tin lên trang facebook, zalo. Đây là cách làm hay và chủ động trong thời đại mà công nghệ thông tin đang cần được phát huy, nhưng giá trị của nông sản cả về nghĩa đen và nghĩa bóng sẽ dần bị mất đi.
 
Nông dân phải biết cách “nâng niu” nông sản
 
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 202 hợp tác xã, 1.207 tổ hợp tác. Cho đến nay, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên toàn tỉnh là 9.003 ha (lúa 1.670 ha, hành tím và rau màu: 1.050 ha và cây ăn trái là 6.283 ha). Nhiều năm nay, Sở NN&PTNN tỉnh đã rất nỗ lực trong việc khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể cũng như vận động nông dân thay đổi từ canh tác truyền thống sang tiêu chuẩn sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; nhưng số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như diện tích canh tác VietGAP, hữu cơ vẫn còn khá khiêm tốn so với một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như Sóc Trăng. 
 
Nông dân có lẽ là những người “xót” nhất khi thành quả lao động mà chính mình miệt mài chăm bón phải rơi vào tình cảnh ùn ứ kéo dài và gắn liền với 2 từ “giải cứu”. Như đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã từng xúc động lên tiếng: “Nông sản không phải để giải cứu mà là sản phẩm để nâng niu”, bởi giá trị của mỗi một sản phẩm nông nghiệp bất kì không đơn thuần chỉ được định giá bằng tiền tệ; mà giá trị đích thực hơn đằng sau đó là sự khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín của người tạo ra sản phẩm. Chính vì vậy, không ai khác ngoài nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm phải tự biết cách “nâng niu” trước đã “trái ngọt” mà chính mình đã tạo ra. Đã đến lúc người nông dân cần có sự thay đổi về tư duy, về nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp bằng việc chủ động tham vào hợp tác xã, tổ hợp tác. Bởi khi đó họ sẽ có điều kiện tiếp cận được với các phương thức canh tác khoa học, bài bản hơn; xây dựng được kế hoạch sản xuất gắn liền với kế hoạch tiêu thụ chứ không còn trông chờ sự “may rủi” về giá, về đầu ra cho sản phẩm như hình thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ trước kia. Tin rằng, khi hình thành được mô hình kinh tế tập thể gắn với những tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà sẽ không còn phải loay hoay tìm chỗ đứng trong một thị trường mà xuất khẩu nông sản được vinh dự đứng vào hàng thứ 17 trên thế giới như Việt Nam.
 
Ngọc Thơ
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 84663691

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.