Lễ vật trong Lễ hội Phước Biển gồm hoa, quả, nhang đèn, vải vóc, gối chiếu (đựng trong kiệu), để cúng tam bảo và hồi hướng quả phúc cho những người đã khuất. Đặc biệt là lễ đắp núi cát và cầu siêu được tiến hành trang nghiêm để tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền đã có công khai phá đất đai, hướng dẫn ngành nghề, bảo vệ xứ sở... Tương truyền có một con cá voi (cá Ông) trôi dạt và lụy (chết) tại khu vực này, dân làng cho là điềm lành bèn đem chôn cất làm lễ cầu siêu, từ đó thu hút nhiều người đến cúng bái, bởi theo bà con ngư dân, cá Ông luôn cứu người đi biển khi có sóng to, gió lớn.
Thắp nhang cầu mong cuộc sống bình an trong Lễ hội Phước Biển.
Trong hai ngày diễn ra lễ hội, có hàng ngàn lượt khách đến dự lễ, người ta cầu mong cho cuộc sống bình an, sản vật dồi dào... Không chỉ người dân trong vùng, mà người dân ở các nơi khác cũng đến đây cúng viếng, bởi theo quan niệm của bà con Khmer, xứ biển rất dồi dào tài nguyên, nhưng luôn chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc, nhất là lúc triều cường, bão lũ sẽ gây nguy hại cho con người, vì vậy việc tổ chức lễ cũng nhằm nhắc nhở mọi người phòng tránh tai ương, bảo vệ đê điều, cũng là dịp để bà con ăn mừng sau một năm lao động mệt nhọc. Để tạo sinh khí lễ hội thêm long trọng, phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Vĩnh Châu phối hợp với Ủy ban nhân dân phường 2 (trước đây là xã Vĩnh Châu), tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như: Hội thi giọng hát hay Khmer, hội thi nhạc ngũ âm, hội thao dân tộc gồm các môn kéo co, đẩy gậy, đập nồi, bóng đá, bóng chuyền... bên cạnh trưng bày, triển lãm tranh ảnh về thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Tiền công đức thu được trong lễ hội được dùng vào tu sửa chùa chiền, đóng góp vào quỹ vì người nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội.
Chị Kiên Thị Canh Nha, đến từ huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: "Năm nào vợ chồng tôi cũng đến đây dự lễ Phước Biển, trước là đi thăm người chị ở Kế Sách, sau đó vòng qua đường Nam Sông Hậu tới cầu Mỹ Thanh 2 rồi đến đây thắp nhang lạy Phật, cầu mong cho gia đạo bình an, mọi người gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Vợ chồng tôi vui lắm, vì cứ mỗi lần đến đây thấy làng quê này có nhiều đổi mới, nhà cửa khang trang, đường xá thông thoáng, chắc là nhờ lộc biển phù hộ rồi”. Còn chị Điền Thị Chanh Thi, đến từ xã Phú Mỹ (Mỹ Tú), cho biết: "Ngoài vợ chồng tôi, còn nhiều người trong xóm cũng đến xin lộc biển, cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới".
Có thể nói, Lễ hội Phước Biển ngoài tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, còn nhắc nhở mọi người chăm bón, vun trồng, bảo vệ tài nguyên biển đảo của quê hương, đất nước.