GIÁ TRỊ NỔI BẬT CỦA ASEAN SAU 50 NĂM LÀ TINH THẦN CỘNG ĐỒNG
      Nội dung phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng đoàn Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam.

      Thưa Thứ trưởng, năm 2017 kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN đã khép lại. Là một trong không nhiều các hình mẫu hợp tác khu vực được đánh giá là thành công nhất hiện nay, xin Thứ trưởng cho biết giá trị nổi bật của ASEAN được thể hiện ở đâu?


      Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Thật thú vị khi ta đang ở thời điểm này để nhìn lại 50 năm về trước - năm 1967 khi Ngoại trưởng 5 nước thành viên ASEAN ban đầu họp lại với nhau và "khai sinh" ra ASEAN với mong muốn xây dựng một nền tảng vững chắc cho hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực Đông Nam Á trên tinh thần bình đẳng và đối tác, đóng góp cho hòa bình, tiến bộ ở khu vực. Với tầm nhìn xa rộng, các bậc sáng lập ra ASEAN hẳn đã có những mơ ước to lớn và đẹp đẽ về tương lai của khu vực, nhưng có lẽ ít ai lúc đó có thể hình dung được những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong 50 năm qua.


      Như chúng ta biết, trong không khí kỷ niệm sinh nhật vàng ở tuổi 50, ASEAN đã được rất nhiều các Lãnh đạo, chính khách, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, phóng viên… khu vực và thế giới phân tích, đánh giá, nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Tất cả đều đã cho thấy những bước trưởng thành vững chắc không thể phủ nhận mà ASEAN đạt được trong 5 thập kỷ qua; đồng thời qua đó đã làm nổi bật những giá trị tự thân, nền tảng làm nên bản sắc riêng của ASEAN như tinh thần"thống nhất trong đa dạng", "phương cách ASEAN"… Vì vậy việc nhắc lại các thành tựu của ASEAN cũng như các giá trị đã được nhìn nhận có lẽ sẽ không còn cần thiết nữa.


       Mặc dù, chúng ta cũng nên hiểu rằng những đánh giá tích cực vẫn luôn đi kèm một phần bảo lưu về những hạn chế không tránh khỏi của ASEAN.


      Tôi chỉ xin chia sẻ cảm nhận của riêng mình về giá trị nổi bật của ASEAN sau 50 năm hình thành và nỗ lực phấn đấu, đó chính là tinh thần cộng đồng. Nửa thế kỷ đồng hành đã thực sự đưa các nước thành viên ASEAN xích lại gần nhau hơn; những khác biệt, nghi kỵ ban đầu đã dần nhường chỗ cho đối thoại, hợp tác, thấu hiểu và sẻ chia với nhau nhiều hơn. Có cảm nhận rõ rằng ASEAN giờ đây đã trở thành chỗ dựa tinh thần rất quan trọng đối với 10 nước thành viên, hoặc nói như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: "ASEAN là phao cứu sinh của các nước Đông Nam Á".


      Trong bối cảnh thế giới đa cực, đa trung tâm, nơi các cường quốc luôn có xu hướng cạnh tranh và kiềm chế nhau, thì sự tồn tại của một cơ chế hợp tác thân thiện, gần gũi, chân thành như ASEAN là một điểm sáng trong bức tranh chung. ASEAN như là một gia đình, một mái nhà chung nơi các thành viên đặt niềm tin và tìm về sau những bận rộn, lo toan bên ngoài. Và với việc thành lập Cộng đồng ASEAN (31/12/2015), 10 quốc gia thành viên đã xác định sẽ cùng nhau bước tiếp hướng tới những mục tiêu xa hơn, cùng nhau vun đắp cho ngôi nhà chung ASEAN như đã xác định trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước.

ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể có tiềm lực cả về chính trị, kinh tế, đã và đang góp phần định hình các cấu trúc và cuộc chơi trong khu vực, các nước lớn đều quan tâm và đặt ASEAN ở vị trí quan trọng trong những tính toán chiến lược của mình. Để giữ được vai trò trung tâm ấy, duy trì được sức hút ấy, ASEAN cần gắn kết, đoàn kết chặt chẽ. Sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần tương trợ đã giúp các nước thành viên đồng lòng nhất trí cùng nhau, đã tạo nên những thành tựu chung, và chính những thành tựu này lại như một sự đóng dấu chất lượng, giúp các thành viên tin tưởng hơn vào giá trị của ASEAN, để tiếp tục gắn bó và phấn đấu vì những mục tiêu chung.


      Như Thứ trưởng đã chia sẻ và phân tích, những giá trị mà ASEAN mang lại là vô cùng quan trọng đối với cả khu vực và với từng quốc gia thành viên. Thứ trưởng đánh giá thế nào về những lợi ích ASEAN mang lại cho Việt Nam và những đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trong 22 năm qua? Có những điểm gì hài lòng và chưa hài lòng?


      Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Chúng ta có thể khẳng định việc gia nhập và tham gia ASEAN là một quyết định sáng suốt và đúng đắn dù rằng lúc đầu không phải không có ý kiến chần chừ, lo ngại. Những lợi ích mà ASEAN mang lại cho Việt Nam, như đã được nhắc đến rất nhiều, là môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, là một thị trường rộng lớn 630 triệu dân và những cơ hội lớn hơn về thương mại, đầu tư, là vai trò và vị thế cao hơn, chiến lược hơn trong quan hệ quốc tế… Nhưng tôi cho rằng một trong những lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thu được, đó chính là sự trưởng thành.


      Việt Nam là một thành viên đến sau, với xuất phát điểm thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Tham gia ASEAN giúp ta rèn luyện, tự tin hơn, qua cọ xát nắm được "luật chơi", học hỏi được nhiều kinh nghiệm, từ đó hiểu và mở rộng thêm khả năng, giới hạn của mình. ASEAN cũng giống như một ngôi nhà với nhiều cánh cửa, có cánh cửa để ta bước vào hợp tác với các nước trong khu vực, và từ đó có cánh cửa mở ra để ta hội nhập với thế giới rộng lớn hơn. Một nước vừa và nhỏ như Việt Nam giờ đã tham gia với một tư thế đàng hoàng, tự tin, đầy bản lĩnh và đóng góp rất tích cực vào các cuộc chơi"đẳng cấp thế giới" tầm cỡ như WTO, APEC, ASEM…, phần lớn là sự nỗ lực của ta song cũng có phần là nhờ những kinh nghiệm học được từ ASEAN. Đó chính là giá trị và lợi ích của hội nhập quốc tế.


      Đến lượt mình, Việt Nam cũng đã nỗ lực không ngừng để đóng góp vào sự lớn mạnh và thành công chung của ASEAN. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, tham gia chủ yếu để lắng nghe, tìm hiểu, học hỏi, Việt Nam đã chủ động hơn, tham gia tích cực hơn, đóng góp nhiều hơn trong các công việc chung của Hiệp hội. Đăng cai Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001, Chủ tịch ASEAN 2010 là những dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN. Từ một vài nội dung hợp tác ban đầu, nay các Bộ, ngành của ta đã tham gia rộng rãi và có đóng góp tích cực vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN,trong đó ta đã giữ được vai trò dẫn dắt, đi đầu ở một số nội dung, nhất là thúc đẩy duy trì đoàn kết, thống nhất trong ASEAN.


      Việt Nam cũng là chỗ dựa tinh thần quan trọng của nhiều nước thành viên trong ASEAN. Tiếng nói và lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề được các nước ủng hộ và coi trọng. Việt Nam đã góp một phần không nhỏ nâng cao vị thế và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Cùng với thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam, trong đó lần đầu tiên tổ chức Cấp cao ASEAN-APEC, những đóng góp của ta trong ASEAN năm vừa qua là minh chứng rõ ràng về tinh thần trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, đóng góp vào thành tựu chung của năm 2017 – "một trong những năm thành công nhất trong thực hiện công tác đối ngoại" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.


      Về cơ bản chúng ta có thể hài lòng với những gì đã cho đi và nhận lại trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với thế và lực của


      Việt Nam đang có, với những yêu cầu ở cấp độ hội nhập cao hơn, để tận dụng tốt hơn những cơ hội do ASEAN mang lại, Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa để phát huy vai trò của mình, dẫn dắt được nhiều lĩnh vực hơn nữa, cả về kinh tế và văn hóa-xã hội, đi đều trong cả ba trụ cột xây dựng Cộng đồng ASEAN.


      Sau 50 năm sẽ bắt đầu một giai đoạn mới, Thứ trưởng cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng gì ở năm 2018? Và xin ông cho biết phương hướng tham gia ASEAN của Việt Nam trong năm nay như thế nào?


      Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: 50 năm là một mốc thời gian rất quan trọng dù rằng trên thực tế nó không khép lại hay mở ra một giai đoạn phát triển khác của ASEAN, vì ASEAN vẫn đang tiếp tục vận hành theo lộ trình của mình. Tuy nhiên về mặt tâm lý, người ta luôn đón đợi một sự thay đổi mới mẻ nào đó sau những mốc kỷ niệm đặc biệt như vậy. ASEAN hiện nay đang cần làm mới mình trên cơ sở những thành tựu 50 năm qua để có những bước đột phá hơn nữa.


      Hiến chương ASEAN (2009) đã đặt mục tiêu hướng tới là Một tầm nhìn, một bản sắc, một Cộng đồng, chúng ta đã thành lập Cộng đồng ASEAN và đang trong giai đoạn đầu của tiến trình xây dựng cộng đồng ấy, chúng ta đã xác định tầm nhìn chung, và bây giờ điều quan trọng là cần làm rõ nét thêm bản sắc, tạo nên cái riêng từ những cái chung, để trở thành tinh hoa chắt lọc của tinh thần cộng đồng chung ASEAN.


      Năm 2017 đã khép lại với thành công của Chủ tịch Philippines, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được giải quyết. Năm 2018, nhiều kỳ vọng dành cho ASEAN khi vai trò Chủ tịch được chuyển giao cho Singapore, một trong những nước phát triển hàng đầu ở khu vực. Với nhiều thế mạnh trong các lĩnh vực dịch vụ tiên tiến của thế kỷ 21 và kinh nghiệm của một thành viên sáng lập ASEAN, Singapore được tin tưởng sẽ đủ khả năng dẫn dắt ASEAN đi đúng hướng và có thể tạo nên những đột phá. Thực tế đã cho thấy ở cương vị này những nhiệm kỳ trước, Singapore có cách thức tổ chức gọn gàng, hiệu quả, khéo léo xử lý các vấn đề một cách hài hòa, đạt được đồng thuận cao.


      Chủ đề của Singapore năm 2018 là Tự cường (Resilient) và Sáng tạo (Innovative). Với chủ đề này, Singapore hướng đến mục tiêu thúc đẩy và duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ để ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh đang nổi lên, thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường kết nối khu vực, làm cho ASEAN trở thành một nơi năng động và sôi động cho người dân sinh sống, làm việc và vui chơi. Những ưu tiên này được các nước ASEAN ủng hộ, vì cũng chính là nguyện vọng phù hợp với trình độ cũng như yêu cầu phát triển của ASEAN.


      Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và sẽ tích cực phối hợp với Singapore cùng các nước ASEAN khác thúc đẩy các ưu tiên, sáng kiến của ASEAN 2018, để đạt được những kết quả tốt hơn, những bước tiến xa hơn trong tiến trình xây dựng cộng đồng chung. Việt Nam cũng sẽ tích cực học hỏi kinh nghiệm của Singapore để chuẩn bị cho việc đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.


      Thứ trưởng vừa nhắc đến vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam vào năm 2020. Vậy Thứ trưởng đánh giá thế nào về năm Chủ tịch này và Việt Nam sẽ làm gì để chuẩn bị đảm nhận trọng trách này?


      Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Mỗi nước thành viên khi đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN đều có những nỗ lực rất lớn và có đóng góp quan trọng đối với hợp tác ASEAN. Việt Nam đảm nhận vai trò này sau Singapore 2018 và Thái Lan 2019, là những nước rất có kinh nghiệm làm Chủ tịch ASEAN. Đây là một thuận lợi cho chúng ta vì có thể tận dụng tốt được đà phát triển của hai nhiệm kỳ này tạo nên. Nhưng đồng thời chúng ta cũng sẽ có sức ép nhất định từ sự kỳ vọng, trông đợi nhiều hơn, vì năm 2020 là năm giữa kỳ ASEAN thực hiện các Kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2015-2025.


      Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm Việt Nam có nhiều sự kiện trọng đại, như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Quốc khánh 2/9, 55 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và là năm cuối chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021). Đây sẽ là một năm vô cùng bận rộn với những nhiệm vụ lớn. Nhưng cũng sẽ là cơ hội lớn để chúng ta phát huy vai trò, kết hợp đối nội và đối ngoại, tạo nên sức mạnh cộng hưởng nâng cao thế và lực của Việt Nam. Để làm được điều đó, không chỉ nỗ lực ở mức độ cao nhất, mà cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản ngay từ bây giờ.


      Trên tinh thần đó, vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Hội nghị các Trụ cột Cộng đồng ASEAN nhằm xác định các vấn đề còn tồn tại và phương hướng cụ thể để nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam. Theo đó, nhiệm vụ tiên quyết là cần thay đổi nhận thức về tham gia hợp tác ASEAN, các Bộ ngành phải coi đây là nhiệm vụ của mình, phát huy tính chủ động, tích cực hơn.


      Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy làm công tác ASEAN từ Trung ương đến địa phương, tăng cường chất lượng điều phối, phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho nhân dân và đặc biệt là chú trọng nâng cao nguồn lực, cả nhân lực và vật lực, xác định trọng tâm trọng điểm để tham gia một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, vừa bảo vệ lợi ích, ưu tiên của ta, vừa đóng góp được vào công việc chung của Cộng đồng. Chúng ta đã có nền tảng vững chắc trong ASEAN, và sẽ phấn đấu ở mức độ cao nhất để thành công ở nhiệm kỳ Chủ tịch 2020, góp phần đưa ASEAN có những bước tiến xa hơn nữa và nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam.


      Nhân dịp những ngày đầu Xuân mới, Thứ trưởng có thể chia sẻ với độc giả về một số ấn tượng hay cảm nghĩ của mình khi tham gia ASEAN và mơ ước về ASEAN trong thời gian tới?


      Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: ASEAN đã mang lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm thú vị, và đọng lại rõ nét nhất là một tình cảm hữu nghị hết sức đặc biệt, hay nói rộng hơn đó chính là tinh thần cộng đồng như đã nói ban đầu. ASEAN với 10 nước thành viên, có lợi ích khác nhau, quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề. Khi ngồi trên bàn đàm phán, đại diện cho lợi ích quốc gia, tôi và những đồng nghiệp của mình ở các nước ASEAN có thể có những tranh luận gay gắt, thậm chí nảy lửa, nhưng rời phòng họp, chúng tôi lại tiếp tục cười đùa vui vẻ, tình cảm như những người anh em thân thiết. Đó là một cảm xúc hết sức đặc biệt có thể cảm nhận được bằng con tim khi chúng ta thực sự tin cậy, chia sẻ và biết rằng tất cả đang cùng nỗ lực phấn đấu vì một mục đích chung là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho toàn bộ khu vực và người dân ASEAN.


      Hay khi tham gia các diễn đàn đa phương khác, anh em cán bộ ngoại giao các nước ASEAN gặp nhau đều cảm thấy gần gũi, thân thiết, tin tưởng, như gặp lại anh em một nhà. Những điều này có được là do quá trình hợp tác lâu dài thân thiện và hữu nghị trong ASEAN, với phương cách ASEAN là tham vấn và đồng thuận, tạo nên sự gắn kết, hữu nghị, thân thiện giữa các anh em cán bộ ngoại giao các nước ASEAN.


      Là những người trực tiếp làm công tác đối ngoại liên quan đến ASEAN, chúng tôi cảm nhận rất rõ điều này, cảm nhận rõ "tinh thần" và "tình thân" ASEAN. Tuy nhiên, phải thừa nhận là tinh thần cộng đồng này chưa thực sự được lan tỏa tới người dân. Đó cũng chính là điều mà ASEAN đang tích cực thúc đẩy và những người trực tiếp làm ASEAN như chúng tôi thường xuyên trăn trở. Với mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, ASEAN coi lợi ích của nhân dân là tối cao, là đích đến cuối cùng cho tất cả những nỗ lực. Và vì thế, cảm nhận của người dân về những lợi ích mà ASEAN mang lại là vô cùng quan trọng, từ đó mới khuyến khích người dân tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.

      Chỉ khi thực sự coi đây là ngôi nhà chung, người dân mới có thể thực tâm vun đắp, xây dựng. Đó cũng chính là mơ ước của tôi về ngôi nhà chung ASEAN khi trong tương lai, mọi người dân ASEAN đều có quyền tự do đi lại, học hành, làm ăn, sinh sống… tại bất cứ nơi nào trong ASEAN trong một môi trường hòa bình, ổn định, an ninh; các nhu cầu vật chất được đáp ứng trong một nền kinh tế ASEAN phát triển thịnh vượng và người dân hưởng thụ ở mức độ cao các giá trị văn hóa, cộng đồng đặc sắc ASEAN.


      Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin kính chúc các độc giả, các công dân của Cộng đồng ASEAN, một Năm mới an khang, thịnh vượng.

 (Nguồn http://asean.mofa.gov.vn/)


Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86308535

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.